Ana səhifə

Conservation of unique and valuable fish iversityin phong nha ke bang limestone ountains


Yüklə 1.58 Mb.
tarix24.06.2016
ölçüsü1.58 Mb.
BẢO TỒN TÍNH ĐỘC ĐÁO VÀ QUÝ BÁU CỦA ĐA DẠNG

SINH HỌC CÁ VÙNG NÚI ĐÁ VÔI PHONG NHA-KẺ BÀNG

TS. NGUYỄN THÁI TỰ, HỒ ANH TUẤN

Khoa Sinh - Đại học Vinh

CONSERVATION OF UNIQUE AND VALUABLE FISH IVERSITYIN PHONG NHA - KE BANG LIMESTONE OUNTAINS

DR. NGUYEN THAI TU AND HO ANH TUAN


Công trình Bảo tồn tính độc đáo và quý báu của Đa dạng sinh học cá vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng (PN - KB) do chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản, ARCBC và EU tài trợ đã tổng kết những kết quả nghiên cứu của Trung tâm Đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn (trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Nghệ An, thành viên của hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Nghệ An) từ 1996 - 2004. Ở đây chúng tôi xin nhấn mạnh đến những nét đặc trưng mang tính toàn cầu của khu hệ cá vùng núi đá vôi PN - KB.

1. PN - KB có bốn pha quan trọng nhất của sự hình thành loài mới.

Vùng núi đá vôi PN - KB tuy là một khu địa lý rất nhỏ bé nhưng đã có đầy đủ cả 4 pha quan trọng nhất của quá trình hình thành loài mới bằng con đường cách ly địa lý.

Sự hiện diện của cả 4 pha này ở PN - KB đều bắt nguồn từ hệ thống sông suối ngầm chảy trong lòng các hang động của núi đá vôi. Đại đa số các loài cá đều không vượt qua được các sông suối ngầm. Chính vì vậy các sông suối ngầm chảy trong hang động là chướng ngại thiên nhiên làm cách ly địa lý để tạo nên các biến dị cá thể, các biến dị quần thể rồi đến các phân loài mới và cuối cùng là sự hình thành các loài cá mới. Thông thường ở một thời điểm lịch sử, ở một địa điểm nhỏ chỉ tồn tại 1 trong 4 pha này. Riêng PN - KB thấy cả 4 pha vì đây là trung tâm phát sinh của những loài cá khác nhau.

1.1. Pha biến dị cá thể ở cá chép: Ở PN - KB có nhiều biến dị cá thể cá chép (Cyprinus carpio) như chép hồng, chép đen, chép trắng, chép kính.

1.2. Pha biến dị quần thể: Ở Trộ Mơợng chúng tôi gặp quần thể cá chờng rờng (Garra pingi) có kích thước lớn hơn hẳn (1.200g) so với các nơi khác (400g). Các dấu hiệu chẩn loại cho thấy chúng chưa phải là một phân loài khác.

1.3. Pha hình thành phân loài mới: Chúng tôi phát hiện 4 phân loài mới ở PN - KB. Tên phân loài mới cũng chính là những địa danh đã phát hiện các phân loài này:

1. Chela chrysotaeniatus raobutensis nssp.

2. Rhodeus vietnamensis ylengensis nssp.

3. Rhodeus vietnamensis trunghoaensis nssp.

4. Acrossocheilus krempfi hangenensis nssp.

1.4. Pha hình thành loài cá Ton (Cyprinus quidatensis).

Dân địa phương cho biết loài cá Ton chỉ có ở Hung Sạc, Hung Bùng (xã Thượng Hoá), Hung Trế (xã Hoá Sơn), huyện Minh Hoá. Nhưng chúng tôi mới thu được hơn 20 mẫu chỉ ở Hung Sạc. Cả 3 hung này đều là những thung lũng hẹp nằm giữa các dãy núi đá vôi. Nước của chúng đổ ra Rào Nan qua các suối ngầm chảy trong hang động. Các suối ngầm này là những chướng ngại thiên nhiên làm cách ly giữa các hung này với Rào Nan. Đó là nguyên nhân tạo thành loài cá Ton (Cyprinus quidatensis) từ loài cá chép (Cyprinus carpio). Hung Sạc chỉ cách Rào Nan 2 - 3 km theo đường chim bay (xem bản đồ 1). Khoảng cách địa lý gần như thế để hình thành một loài mới là điều cực kỳ hiếm. Có thể coi đây là dẫn liệu thú vị nhất cho các giáo trình có liên quan đến việc hình thành loài mới.





Bản đồ 1: Địa hình Hung Sạc

Đây cũng là một bảo tàng sống hết sức quý báu và hiếm gặp minh chứng cho sự hình thành loài mới bằng con đường cách ly địa lý.

2. PN - KB là trung tâm phát sinh thứ tư của giống cá chép (Cyprinus).

Giống cá chép Cyprinus thuộc họ cá chép Cyprinidae. Họ cá chép là họ cá lớn nhất trong các thuỷ vực nước ngọt trên trái đất. Nhiều nhà ngư loại học và địa lý động vật hàng đầu thế giới coi khu hệ cá nước ngọt Đông Dương (Indochina) là phong phú nhất và là trung tâm phát sinh của hầu hết các loài cá nước ngọt trên thế giới (Darlington, 1957; Biggs, 1979; Banarescu & Nalbant, 1982; Kottelat, 1989).



2.1. Giống Cyprinus Linnaeus, 1758 phân bố nguyên thuỷ từ Quảng Ngãi Việt Nam (140 N) đến Nam Trung Hoa [4]. Theo Lê Văn Đằng, cá chép (Cyprinus carpio) trước 1954 chỉ có trên các sông ngòi từ Quảng Ngãi trở ra. Năm 1954, 1955 chính ông là người mang cá chép từ trại giống cá Hà Đông vào trại giống cá Thủ Đức. Từ đó trở đi phong trào nuôi cá chép ở miền Nam Việt Nam trở nên phổ biến và chúng bắt đầu phát tán ra các sông suối miền Nam [2]. W. J. Rainboth 1990 đã thấy có cá Chép ở sông Mekong Cambodia. Sự có mặt của cá chép ở đây cũng bắt nguồn từ sự phát tán nhân tạo từ cá chép do ông Lê Văn Đằng đưa từ Hà Đông vào Nam Việt Nam năm 1954. Cũng theo Lê Văn Đằng, cá chép có ở Trung hoa từ thời thượng cổ. Cuối thế kỷ XVI, cá chép được các nhà truyền giáo đưa từ Trung Hoa sang đảo Sýp (Cyprus) rồi vào châu Âu đến châu Phi rồi Bắc Mỹ [2]. Ngày nay, cá chép (Cyprinus carpio) phân bố hầu khắp thế giới, đó là sự phát tán nhân tạo. Trong tự nhiên, nguyên thuỷ chúng chỉ phân bố từ Quảng Ngãi Việt Nam (140 N) men theo triền phía đông Trường Sơn qua lưu vực sông Hồng, lưu vực các sông ở nam Trung hoa đổ ra biển đông cho đến sông Amua. Lưu vực sông Mekong nguyên thuỷ không có loài này. Hiện nay trên một chi lưu nhỏ của Mekong thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc (280 N) có phân loài Cyprinus carpio chilia [1] nhưng khúc sông này, nguyên thuỷ là dòng chính của sông Hồng, sau này do sự đổi dòng mới nhập vào sông Mekong [3] (xem bản đồ 2). Cho đến nay, đã phát hiện được 20 loài và phân loài thuộc giống cá chép Cyprinus [4]. Tất cả chúng đều phân bố hẹp ở các vùng núi, trừ loài cá chép (Cyprinus carpio) vừa ở miền núi vừa ở đồng bằng và loài cá dầy (Cyprinus melanes) chỉ phân bố ở vùng đồng bằng. Sự phân bố của cả 20 loài này đều nằm gọn trong vùng phân bố của loài cá chép (Cyprinus carpio).



Bản đồ 2: Sự đổi dòng của sông Hồng (h: Sông Hồng, m: Sông Mekong )

A, Sông Cổ B, Sông hiện nay Khúc sông Hồng đổi dòng thành Mekong

Bởi vậy, vùng phân bố của loài cá chép (Cyprinus carpio) cũng là vùng phân bố của cả giống cá chép Cyprinus. Trong vùng phân bố này có 4 vùng tập trung nhiều loài được coi là 4 trung tâm phát sinh của giống cá chép. Cả 4 trung tâm này đều có mặt của loài cá chép (Cyprinus capio). Loài cá này là loài phân bố rộng nhất, có tính dẻo sinh thái cao nhất nên được coi là loài gốc, từ đây phát sinh ra các loài khác thuộc giống này [1, 4, 6]. Sự hình thành loài cá ton (Cyprinus quydatensis) đã nêu trên đây là một minh chứng thú vị và đầy sức thuyết phục.

2.2. Bốn trung tâm phát sinh của giống cá chép Cyprinus Linnaeus, 1758 (xem bản đồ 3)

2.2.1. Trung tâm thứ nhất. Trung tâm này thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc nằm ở toạ độ 240 N - 1020 E. Trung tâm này gồm 8 loài và phân loài: Cyprinus carpio chilia, Cyprinus carpio rubrofuscus, Cyprinus micristius micristius, Cyprinus ilishaestomus, Cyprinus micristius fuxianensis, Cyprinus pellegrini, Cyprinus yunnanensis, Cyprinus yilongensis.

2.2.2. Từ trung tâm 1 phát tán lên phía Bắc tạo thành trung tâm 2 cũng thuộc tỉnh Vân Nam - Trung Quốc ở toạ độ 260 N - 280 N, 1000 E. Trung tâm này gồm có 6 loài và phân loài: Cyprinus barbatus, Cyprinus carpio chilia, Cyprinus daliensis, Cyprinus longipectoralis, Cyprinus megalophthalmus, Cyprinus rabandi.

2.2.3. Cũng từ trung tâm 1 phát tán xuống trung tâm 3 thuộc khu Tây Bắc Việt Nam ở tọa độ 220 N, 1040 e. Trung tâm này có 5 loài và phân loài: Cyprinus carpio rubrofuscus, Cyprinus hyperdorsalis, Cyprinus exophthamus, Cyprinus day, Cyprinus multitaeniata.

2.2.4. Từ trung tâm 3 phát tán xuống trung tâm 4 là PN - KB, thuộc tỉnh Quảng Bình Việt Nam ở toạ độ 170 N, 1060 E. Trung tâm này có 4 loài và phân loài: Cyprinus carpio rubrofuscus, Cyprinus melanes, Cyprinus quydatensis, Cyprinus hieni.

Từ 4 trung tâm phát sinh này, bằng con đường phát tán nhân tạo, ngày nay loài cá chép C. carpio đã có mặt trên hầu khắp thế giới.



3. PN - KB là trung tâm phát sinh của tộc cá chép (Tribe Cyprinini)

Phân họ Cyprininae gồm có 5 giống: Cyprinus Linnaeus, 1758; Carassius Nilsson, 1832; Carassioides Oshima, 1926; Procypris Lin, 1933; Puntioplites Smith, 1929. Dựa vào phân bố địa lý chúng tôi chia phân họ này thành hai tộc (Tribe), (xem bản đồ 3)



  • Tộc Cyprinini phân bố trong tỉnh địa động vật Bắc Việt Nam - Hoa Nam. Chúng gồm có 4 giống: Cyprinus; Carassius; Carassioides; Procypris. Chúng phân bố từ Quãng Ngãi (Việt Nam) đến Nam Trung Quốc (trừ lưu vực sông Mekong). Ở đây cần lưu ý, loài cá chép Cyprinus carpio hiện nay phân bố hầu khắp thế giới. Đó là sự phát tán nhân tạo bởi nghề nuôi cá.

  • Tộc Puntioplitini phân bố trong tỉnh địa lý động vật Mekong. Tộc này có một giống Puntioplites phân bố rộng từ: Borneo, Sumatra, Malaysia, Thailand, Mianma, Cambodia, Nam bộ Việt Nam, Lào, Nam Trung Hoa (chỉ có trên lưu vực sông Mekong), các vùng khác của Trung Quốc không có các loài thuộc giống này.

Chúng tôi coi PN - KB là trung tân phát sinh của tộc Cyprinini vì: Đây là một vùng rất nhỏ bé (gần 200.000 ha) có đến 7 loài, trong đó có nhiều loài đặc hữu hẹp bản địa, trong khi cả Việt Nam (trừ PN - KB, Tây Bắc và lưu vực sông Kỳ Cùng) chỉ có 4 loài. (Xem bảng 1)

Bảng 1: So sánh thành phần loài thuộc tộc Cyprinini của PN - KB với Việt Nam

(trừ PN - KB, Tây Bắc và sông Kỳ Cùng)

STT

Thành phần loài

PN - KB

Việt Nam



Cyprinus carpio

+

+



Cyprinus quidatensis

+






Cyprinus melanes

+

+



Cyprinus hieni

+






Carasius auratus

+

+



Carassioides cantonensis

+

+



Carassioides phongnhaensis

+




[: Loài đặc hữu của Phong Nha - Kẻ Bàng]



Bản đồ 3: - Bốn trung tâm phát sinh giống Cyprinus

- Đường ranh giới hai tộc Cyprinini và tộc Puntioplitini

- Đường ranh giới hai tỉnh địa lý động vật Bắc Việt Nam - Hoa Nam và Mekong

4. PN - KB là một trong 3 cột mốc quan trọng nhất để vạch đường ranh giới giữa 2 tỉnh địa lý - động vật Bắc VN - Hoa Nam và tỉnh Mekong.

4.1. Cột mốc thứ nhất: PN - KB.

M. Kottelat, 1998 có danh lục cá Nậm Theum và Xe Bangfai thuộc Lào gồm 165 loài và danh lục cá núi đá vôi PN - KB của chúng tôi gồm 162 loài, trong đó chỉ có 10 loài trùng nhau [6]. Nét độc đáo ở đây là trong mùa mưa ở Lào và mùa mưa ở PN - KB lệch nhau. Trong mùa mưa nước ở hai bên có thể lưu thông với nhau qua hệ thống sông ngầm. Tuy nước lưu thông được với nhau nhưng thành phần loài cá vẫn rất khác xa nhau. Chính vì vậy, đây là nét độc đáo nhất trong phân vùng địa lý - đông vật.



4.2. Cột mốc thứ hai: Tây Bắc Việt Nam.

Cũng có vùng thuộc lưu vực sông Mekong. Thành phần loài cá trên các sông suối thuộc lưu vực Mekong của Tây Bắc Việt Nam cũng khác xa thành phần loài cá Tây Bắc thuộc lưu vực sông Hồng.



4.3. Cột mốc thứ ba: Vân Nam Trung Quốc.

Thành phần loài cá lưu vực sông Mekong thuộc tỉnh Vân Nam Trung Quốc và thành phần loài cá thuộc các lưu vực các sông đổ ra biển Đông của tỉnh Vân Nam khác nhau rất xa. Trong số 303 loài cá của tỉnh Vân Nam chỉ có 17 loài trùng nhau, số còn lại hoặc chỉ có ở vùng này hoặc chỉ có ở vùng kia.



5. Địa lý - Động vật cá nước ngọt Việt Nam.

Những kết quả nghiên cứu trên đây là những dẫn liệu quan trọng để bàn luận về địa lý động vật vùng Trung Ấn nói chung và Việt Nam nói riêng. Việt Nam có vị trí đặc biệt trong phân vùng Địa lý động vật cá nước ngọt vùng Trung Ấn.



Cá nước ngọt Việt Nam có 2 nguồn gốc địa động vật rõ ràng. Những loài cá nước ngọt có nguồn gốc Bắc Việt Nam - Hoa Nam mà chúng ta thường gọi là yếu tố địa lý - động vật cá nước ngọt Bắc Việt Nam - Hoa Nam. Nói một cách ngắn gọn là yếu tố Bắc Việt Nam - Hoa Nam. Cũng như vậy, những loài khác thuộc yếu tố Mekong. Căn cứ vào nguồn gốc địa lý - động vật, chúng tôi coi Việt Nam thuộc 2 tỉnh địa động vật Bắc Việt Nam - Hoa Nam và Mekong. Ranh giới 2 tỉnh này chính là đường phân thuỷ phía đông của lưu vực sông Mekong. Đường phân thuỷ này kéo dài từ Vân Nam xuống đến Trung bộ Việt Nam (xem bản đồ 4). Vùng Trung bộ Việt Nam từ trước tới nay còn nhiều tranh luận. Nguyễn Thái Tự (2003) đã chỉ rõ tỉnh Bắc Việt Nam - Hoa Nam kéo dài mãi xuống tận vĩ độ 14 cho đến hết lưu vực sông Trà Khúc, sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi. Khu hệ cá ở đây còn đến 70% số loài thuộc yếu tố Bắc Việt Nam - Hoa Nam, gấp 4 lần số loài thuộc yếu tố Mekong. Ngược lại, thành phần loài cá của sông Ba (Phú Yên) sông Côn (Bình Định) cũng có 70% thành phần loài thuộc yếu tố Mekong.



Bản đồ 4: Phân vùng địa lý - động vật cá nước ngọt Việt Nam

Điều này cho phép chúng ta xác định được ranh giới của 2 tỉnh địa động vật Bắc Việt Nam - Hoa Nam v à Mekong là đường phân thuỷ phía đông lưu vực sông Mekong kéo dài từ Vân Nam (Trung Quốc) xuống đến vĩ độ 14, bao gồm cả lưu vực sông Trà Khúc, sông Vệ. Còn tỉnh Mekong ngoài lưu vực sông Mekong còn bao gồm cả lưu vực sông Đồng Nai và các lưu vực sông Nam Trung bộ kéo ra cho đến sông Ba (Phú Yên), sông Côn (Bình Định).

Quan điểm mới nhất của Mai Đình Yên về phân vùng địa lý - động vật cá nước ngọt Việt Nam được công bố ở trang 176 cuốn nguồn lợi thuỷ sản Việt Nam (1996). Sự phân vùng này còn nhiều tồn tại cần được sửa đổi.

5.1. Đơn vị tỉnh địa lý - động vật cần sửa thành đơn vị khu cho phù hợp với địa lý - động vật Việt Nam.

5.2. Phân chia thành các đơn vị miền núi và đồng bằng là sự phân vùng sinh thái chứ không phải phân vùng địa lý - động vật. Ví dụ: 3 giống cá Cyprinus (18/19 loài và phân loài của giống này sống ở miền núi), Carassius (phân bố rộng cả miền núi, cả đồng bằng), Carassioides (cá đồng bằng) cả 3 giống cá này có nguồn gốc địa lý - động vật hết sức gần gũi với nhau, nhưng khi xét phân vùng cá miền núi hay đồng bằng lại phải xếp chúng vào các đơn vị khác nhau. Về mặt phân vùng địa lý - động vật phân chia như vậy là không đúng.

Ranh giới giữa các Khu địa lý - động vật được Mai Đình Yên vạch ra một cách tùy tiện thiếu căn cứ khoa học. Ví dụ:  Tỉnh Trung và Nam Trung bộ có hai nguồn gốc địa động vật khác nhau rất xa. Chúng thuộc 2 phân vùng khác nhau lại xếp chung vào một đơn vị địa lý - động vật rất nhỏ.  Ranh giới Khu đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ kéo tới tận đỉnh Trường Sơn.  Khu hệ cá Quảng Bình được chia ra 3 tỉnh khác nhau (Miền núi Bắc Trung bộ; Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ; Trung và Nam Trung bộ). Trong khi nguồn gốc địa lý - động vật và thành phần loài của Khu hệ cá Quảng Bình là hoàn toàn giống nhau. Chính vì vậy chúng tôi cho rằng về địa lý - động vật cá nước ngọt Việt Nam chỉ phân vùng đến cấp tỉnh, chưa đủ dẫn liệu để phân vùng chi tiết đến cấp Khu. Trừ một khu duy nhất là khu Đông Trường Sơn, Khu này chứa PN - KB và nằm ở cực nam của tỉnh Bắc Việt Nam - Hoa Nam. Đặc tính địa lý - động vật của khu này là có nhiều loài đặc hữu hẹp. Chúng có nguồn gốc phát sinh tại đây và do địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều chướng ngại thiên nhiên nên chưa phát tán rộng ra được. Đây vừa là một đặc tính hết sức quí báu vừa cần hết sức lưu tâm bảo vệ vì chúng rất dễ bị tuyệt chủng. Ranh giới được xác định rõ ràng. Ranh giới phái bắc là sông Ngàn Phố. Ranh giới phía nam là lưu vực sông Trà Khúc, sông Vệ. Đó là những lý do chính mà chúng tôi coi nó là một Khu đặc biệt tận cùng phía nam của tỉnh Bắc Việt Nam - Hoa Nam. Tóm lại:


  • Cá nước ngọt Việt Nam có 2 nguồn gốc địa động vật rõ rệt: Nguồn gốc Bắc Việt Nam - Hoa Nam và Nguồn gốc Mekong. Ngoài ra còn nhiều loài di nhập từ biển vào. Nhiều loài sử dụng giải nước ngọt ven bờ biển Đông trong mùa lũ làm con đường phát tán, di nhập để tạo nên nhiều loài phân bố rộng mà nhiều nhà ngư loại học gọi là yếu tố phân bố rộng. Phân bố rộng là hiện tượng thứ sinh. Thực chất về nguồn gốc địa lý - động vật nhiều loài trong chúng chỉ mang một trong hai yều tố địa động vật nói trên.

  • Cá nước ngọt Việt Nam nằm trong vùng địa lý - động vật Trung Ấn, nằm trong hai phân vùng Bắc Việt Nam - Hoa Nam và phân vùng Ấn Độ - Mã Lai; nằm trong hai tỉnh địa lý - động vật Bắc Việt Nam và Mekong. Ranh giới hai tỉnh địa lý - động vật này là đường phân thuỷ phía đông của lưu vực sông Mekong kéo từ Vân Nam (Trung Quốc) đến vĩ độ 14o hết lưu vực sông Trà Khúc và sông Vệ (Quảng Ngại - Việt Nam)

  • Địa động vật cá nước ngọt Việt Nam không thể chia thành các đơn vị khu địa lý - động vật vì thiếu căn cứ về nguồn gốc địa lý - động vật và cấu trúc địa lý - động vật thành phần loài. Khu địa lý - động vật cá nước ngọt Đông Trường Sơn là đơn vị cấp khu duy nhất có thể xác lập ở Việt Nam. Ranh giới phía bắc của khu địa lý - động vật này là lưu vực sông La, phía nam là sông Vệ.[8]

Kết luận:

Năm nội dung khoa học nêu trên đây đã chứng minh rằng vùng núi đá vôi PN - KB là một bảo tàng sống đang lưu giữ nhiều nét độc đáo và quí báu của Đa dạng sinh học cá. Đó là một báu vật của nhân loại được thiên nhiên đặc ân ban tặng cho PN - KB. Chúng ta có trách nhiệm bảo tồn bảo tàng sống quý và hiếm này cho muôn đời con cháu. Trách nhiệm này không riêng của Việt Nam mà là trách nhiệm chung của cả các tổ chức quốc tế có liên quan đến Bảo tồn Thiên nhiên nói chung và bảo tồn Đa dạng Sinh học nói riêng.



TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Chu Xinluo et al, 1989. The fishes of Yunnan, China. Science Press Beijing, China.

  2. Lê Văn Đằng. Phương pháp nuôi cá chép (Cyprinus carpio). Nxb. Sở Thông tin quảng bá Nông nghiệp.

  3. Maurice Kottelat, 1989. Zoogeography of the fishes from Indochinese inland water with an annotated check - list. Bulletin Zoologisch Museum. Vol. 12 No1. 1989

  4. Nguyễn Thái Tự và cộng tác viên, 1999. Giống cá chép Cyprinus Linnaeus, 1758 và một loài cá mới C. quidatensis hình thành bằng con đường cách ly địa lý. Tuyển tập công trình hội thảo Đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn lần thứ 2. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

  5. Nguyễn Thái Tự và cộng tác viên, 2000. Giống Lissochilus et de Beaufort, 1916 và hai loài cá mới thuộc giống này mới phát hiện ở Quảng Bình Việt Nam. Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong sinh học: 475 - 476. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật.

  6. Nguyễn Thái Tự, Hồ Anh Tuấn, 2003. Phong Nha Kẻ Bàng là một trong những trung tâm phát sinh của tộc Cyprinini. Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong Khoa học Sự sống: 1123 - 1129. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật.

  7. Nguyễn Thái Tự và cộng tác viên, 2004. Conservation of unique and valuable fish diversity in Phong nha - Ke bang limestone mountains. ARCBC - RE - VNM - 008. 2004

Nguyễn Thái Tự và cộng tác viên, 2005. Địa lý - động vật cá nước ngọt Việt Nam. Những vấn đề nghiên cứu cơ bản trong Khoa học Sự sống: 1106 - 1109. Nxb. Khoa học và Kỹ thuật.


Verilənlər bazası müəlliflik hüququ ilə müdafiə olunur ©atelim.com 2016
rəhbərliyinə müraciət